Quản lý thời gian hiệu quả luôn là vấn đề của chúng ta, đặc biệt là những người trẻ, với rất nhiều sự lựa chọn, không chỉ công việc mà còn những lựa chọn khác trong cuộc sống như học tập, vui chơi và mở rộng giao lưu. Trong buổi tập huấn về kỹ năng quản lý thời gian tại trường Đại học An Giang và Đại học Cần Thơ, nhiều em đã đặt câu hỏi xoay quanh các vấn đề dưới đây:
– Chọn một kỹ năng thôi hay rèn luyện hết các kỹ năng?
– Nên lập kế hoạch theo tháng/ngày/năm?
– Nếu không theo kế hoạch thì sao? Lên kế hoạch chi tiết quá thì sao?
– Làm thế nào để có thể thực hiện được các kế hoạch của mình khi có quá nhiều yếu tố bên ngoài ảnh hưởng đến kế hoạch của chúng em?
– Làm sao để vừa học vừa tham gia các hoạt động của trường?
– Lên thời gian kế hoạch 1-2 ngày thì dễ nhưng tuần, tháng, năm thì khó?
– Sinh viên thường tiếp xúc với mạng xã hội Zalo, Fb, đọc báo chí online, vậy làm sao bọn em có thể quản lí thời gian và cân bằng việc học với việc tiếp nhận thông tin đó một cách hợp lí nhất?
– Chúng em đều tự lập ra kế hoạch cho bản thân nhưng kỉ luật thì không thể nào duy trì được cũng không biết khắc phục như thế nào?
– Một số bạn sắp xếp thời gian để đi ngủ lúc 11h nhưng không ngủ được , làm sao để cân bằng thời gian để có sức khỏe cho ngày hôm sau đi học?
– Đối với cuộc sống hiện tại hoàn cảnh khó khăn của gia đình làm thế nào để cân bằng giữa việc học tập và làm thêm và học ngoại khóa? Làm sao để cân bằng giữa thời gian và sức khỏe?
Bài viết ngắn gọn này giúp giải đáp băn khoăn và một số câu hỏi đưa ra của các bạn nữ sinh Teillon Ludlow trong đợt tập huấn tại trường Đại học An Giang và Đại học Cần Thơ.
Hãy tạo những thói quen nhỏ!
Như các bạn đã được nghe trong buổi tập huấn, quản lý thời gian là một kỹ năng, và đã là kỹ năng thì đều có thể học được. Khi đã học được học thì cần áp dụng và rèn luyện để trở thành thói quen. Vì vậy, các bạn hãy tạo những thói quen nho nhỏ để có thể bắt đầu sử dụng thời gian hiệu quả. Hãy bắt đầu ngay để thay đổi ngay từ lúc này để sau này bạn không phải hối tiếc vì đã bỏ lỡ thời gian. Có mấy việc đầu tiên mà các bạn có thể bắt đầu ngay.
1. Tập thói quen ghi chép và luôn mang theo một quyển sổ nhỏ để ghi chép
Có một điều dễ nhận thấy là hầu như các cuộc tập huấn đều không thấy các bạn sinh viên ghi chép bằng bất cứ phương tiện gì (số tay, điện thoại, máy tính). Vì vậy, hãy tập thói quen ghi chép. Việc ghi chép này sẽ giúp các em ghi lại những điểm mà các em học được, hoặc ghi lại những suy nghĩ của mình. Khi thấy có ý gì hay, ý gì có ý nghĩa đối với mình các em cũng có thể ghi lại. Vãy hãy luyện thói quen đơn giản là luôn mang theo cuốn sổ nhỏ, giúp các em ghi lại khi có ý tưởng, những sáng kiến, hay việc gì mình muốn làm. Làm như vậy, bạn khi đi tới đâu bạn cũng có thể ghi lại được suy nghĩ của mình, nếu không ghi bạn sẽ quên. Hiện nay cũng có nhiều phương tiện để bạn có thể ghi lại (bạn có thể ghi chép trên điện thoại hay máy tính, nếu bạn không thích dùng sổ tay).
2. Tập thói quen viết ra mọi thứ (checklist)
Không ai có thể nhớ được hết mọi thứ – và càng ngày ta sẽ càng có thêm nhiều việc để làm. Vì thế đừng cố gắng sử dụng trí nhớ của bạn để nhớ quá nhiều chi tiết dẫn đến bạn bị quá tải thông tin và sẽ bị quên. Vì vậy hãy tạo thói quen ghi danh sách các việc cần làm để mình sắp xếp và tổ chức công việc tốt hơn. Việc viết ra danh sách cũng giúp ta tiết kiệm thời gian rất nhiều (không mất thời gian để nhớ lại những việc cần làm). Khi đã lên danh sách, bạn cũng nên sắp xếp theo thứ tự ưu tiên cho những việc khó và quan trọng đối với bạn.
3. Lên kế hoạch trong tuần, trong ngày và hãy xem lại việc sử dụng thời gian hàng ngày
Nên tạo thói quen dành một số thời gian vào đầu tuần để lên kế hoạch cho bản thân. Dành ra chút ít thời gian đầu tuần (15 đến 30 phút mỗi tuần) lên danh sách những việc cần làm trong tuần.
Khi đã lên kế hoạch quản lý thời gian, các bạn nên thường xuyên đánh giá cách thức bạn sử dụng thời gian của bạn và bạn sẽ biết hàng ngày ta đang lãng phí bao nhiêu thời gian. Và điều này sẽ giúp bạn loại bỏ những hoạt động hàng ngày đang làm mất thời gian của bạn để dành thời gian đó cho những việc có ích hơn cuộc sống hiện tại và tương lai cảu bạn sau này.
4. Nhận ra các thói quen xấu đang làm lãng phí thời gian
Các bạn nên lập ra danh sách các thói quen xấu tiêu tốn thời gian của bạn có thể làm hỏng mục tiêu của bạn và hạn chế thành công của bạn (ví dụ facebook, zalo, ngủ nướng, sống lộn xộn bữa bãi ….). Sau khi lập xong danh sách, bạn hãy tập loại bỏ từng thói quen một và loại bỏ các thói quen một cách có hệ thống ra khỏi cuộc sống của bạn. Cách tốt nhất để loại bỏ một thói quen xấu là thay thế nó bằng một thói quen tốt (ví dụ có bạn gợi ý, thay vì việc lướt web, zalo vào những thời gian trong ngày mà bạn không thể tập trung để làm việc hiệu quả thì có thể tập thể dục, thể thao).
Hãy ưu tiên những việc quan trọng cho bạn và gia đình!
Một số bạn băn khoăn có quá nhiều hoạt động, nhiều bạn bè, nhiều hoạt động vui chơi, trong khi cuộc sống của chúng ta hiện tại còn khó khăn, chúng ta còn cần thời gian để học tập, làm thêm phụ giúp gia đình trang trải chi phí học tập, tham gia các hoạt động của chương trình và nhà trường để có kỹ năng làm việc sau khi ra trường. Thêm vào đó, các bạn cũng cần thời gian nghỉ ngơi và thư giãn để đảm bảo sức khỏe. Vì thế các bạn cần lưu ý những điểm dưới đây.
Hãy học cách nói “không“
Do hứa hẹn quá nhiều, nhiều bạn cảm thấy bị quá tải vì có quá nhiều việc hứa nhưng không làm được. Có nhiều việc các bạn nói “có” trong khi đáng lẽ ra phải nói “không”. Vì vậy, bạn hãy học cách nói “không” với những công việc hay hoạt động có mức ưu tiên thấp, và bạn sẽ có nhiều thời gian để làm những việc quan trọng hơn. Bạn nên lên kế hoạch và ưu tiên những việc làm quan trọng với bản thân và gia đình và những việc có thể giúp bạn đạt được những mục tiêu mà bạn đã đặt ra cho bản thân.
Suy nghĩ trước khi hành động
Nhiều bạn nói “có” với một số việc, và sau đó bạn lại cảm thấy hối tiếc vì đã lãng phí thời gian. Vì vậy trước khi hứa hẹn làm một công việc mới, bạn hãy dừng lại để suy nghĩ một chút trước khi đưa ra câu trả lời của mình (liệu công việc này có giá trị gì với bạn? giá trị với gia đình bạn, hay những người bạn thân của bạn không?). Điều này sẽ tránh cho bạn khỏi bị làm quá nhiều việc trong khi quỹ thời gian lại có hạn.
Kỷ luật với bản thân và quyết tâm thực hiện kế hoạch hay lịch hoạt động đã đề ra hàng ngày luôn luôn là một thử thách đối với bất cứ ai. Nhưng nếu không có kỷ luật với bản thân và quyết tâm thực hiện kế hoạch đặt ra khó có thể đạt được mục tiêu như mong muốn. Xem thêm một số gợi ý để lập kế hoạch thời gian một cách khoa học
Hà Nội ngày 19 tháng 1 năm 2017
Tô Kim Liên – Trung tâm Giáo dục và Phát triển
(Còn nữa)