Ngày 18-19/12/2020, Quỹ Châu Á (TAF) cùng Trung tâm Giáo dục và Phát triển (CED) đã kết hợp với Hội khuyến học tỉnh Điện Biên tổ chức khóa tập huấn giáo viên về: “Trang bị kỹ năng mềm cho học sinh” với mục đích cung cấp phương pháp, kỹ năng, kiến thức cho 10 giáo viên đến từ 5 trường có học sinh nhận học bổng Quỹ Châu Á – Nguồn Mark & Thuy Foundation 5 (Trường THPT Mường Nhà; DTNT Trường THPT huyện Điện Biên Đông; THPT Búng Lao; THPT Thanh Chăn; THPT huyện Điện Biên) để trực tiếp đào tạo, nâng cao kỹ năng, kiến thức cho các em nữ sinh nhận học bổng của chương trình, cũng như học sinh trong trường.
Trong suốt khóa tập huấn, giáo viên được tiếp cận các phương pháp giảng dạy mới (Active learning methods – học tích cực), giúp học sinh hứng thú hơn, vận dụng được nhiều kỹ năng và kiến thức hơn trong bài học. Bên cạnh đó, việc giáo viên được trao cơ hội thực hành và tập luyện các phương pháp như “Chạy chính tả””, “Cây vấn đề”, “Nhóm chuyên gia”, “Nhà hát hình ảnh”, “Động não”, “Lập kế hoạch”, “Quản lý thời gian hiệu quả” đã giúp giáo viên nhận được sự khác biệt lớn giữa phương pháp dạy học truyền thống và phương pháp học tích cực, từ đó sẽ lên kế hoạch lồng ghép, áp dụng vào trong chương trình giảng dạy.
Kết thúc khóa tập huấn, các giáo viên tham gia đã đánh giá rất cao các phương pháp giảng dạy mới này đã giúp họ có thêm rất nhiều kỹ năng, cũng như kiến thức để giúp học sinh tiếp cận nội dung, kiến thức một cách hiệu quả và sôi nổi.
Sau khóa tập huấn, Trung tâm đã làm khảo sát nhanh với 10 giáo viên tham gia tập huấn. Cả 10 giáo viên tham gia tập huấn đề đánh giá cao 8 nội dung tập huấn của chương trình: Phần 1: Giới thiệu và tổng quan khóa học (Tổng quan về khóa tập huấn; Làm quen và giới thiệu; Trò chơi tìm hiểu tên; Những quy định); Phần 2: Tôi, thế giới của tôi (tôi là ai? Tôi muốn trở thành người như thế nào? Mục tiêu của tôi, giấc mơ của tôi?); Phần 3: Quyền của tôi, ý tưởng của tôi (Hiểu biết các quyền mà học sinh có – Quyền con người; Bạo lực: Bạo lực tình dục và bạo lực trên cơ sở giới ở trường học và nơi làm việc); Phần 4: Thực hành điều phối và tiến hành đánh giá; Phần 5: Kỹ năng quản lý thời gian và lập kế hoạch cá nhân; Phần 6: Xây dựng bài giảng; Phần 7: Các nhóm thuyết trình bài giảng; Phần 8: Tập huấn online.  Các nội tập huấn, giảng viên, phương pháp tập huấn, hậu cần.
Một số thầy cô đã để lại đánh giá về tập huấn:
“Trong 2 ngày tập huấn tôi được tiếp thu những kiến thức bổ ích, có ứng dụng thực tế tại trường công tác. Qua đây, bản thân đúc kết thêm các kinh nghiệm để có thể thực hành tập huấn lại cho học sinh. Nâng cao kỹ năng mềm cho bản thân.”
“Qua khóa tập huấn, tôi đã được trang bị thêm nhiều kiến thức và phương pháp tổ chức các hoạt động bản thân được trải nghiệm, thực hành được nhiều hoạt động hay. Từ đó, góp phần thay đổi nhận thức cũng như trang bị được nhiều kỹ năng mềm.”
“Qua chương trình tập huấn, bản thân tôi cảm thấy tự tin hơn, được gặp gỡ với các đồng nghiệp, được tập huấn với các anh chị em chuyên gia. Bản thân tôi thấy có thêm năng lượng, động lực và nhiệt huyết để phát triển các hoạt động giáo dục, đem lại lợi ích cho các em học sinh.”
Một số hình ảnh của khóa tập huấn.