Em xin tự giới thiệu, em là Lò Thị Nga học sinh lớp 11B6, Trường THPT Búng Lao, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên. Em sinh ngày 23 tháng 4 năm 2004. Em là người dân tộc Thái, hiện em đang sinh sống cùng gia đình nhà Bác (chị gái ruột của mẹ) tại Bản Chợ, xã Búng Lao, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên. Còn gia đình, bố mẹ em hiện đang ở bản Co Hón, xã Xuân Lao, huyện Mường Ảng, tỉnh điện Biên. Năm nay em 17 tuổi, là một cô gái cá tính, thích vận động, ưa xê dịch, khám phá và có một mơ ước là được trở thành một nhà hoạt động xã hội trong tương lai.
Em tự thấy mình là một trong số những học sinh may mắn của trường THPT Búng Lao, khi được đón nhận sự quan tâm, hỗ trợ của các thầy, cô trong Nhà trường cũng như của các cô: Đinh Kiều Nhung, Hà Thị Thương (Nhà đại diện quản lí Quỹ Học bổng Châu Ắ) tại Điện Biên. Sau đây, em xin chia sẻ câu chuyện “hành trình tiến bộ” của mình sau thời gian được học tập, giáo dục tại Nhà trường và đặc biệt là sau khi được tập huấn, giáo dục kĩ năng mềm trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ của Quỹ ở học kì II năm học 2020- 2021.
Nhận được kết quả thông báo từ cô giáo chủ nhiệm lớp là em đủ điều kiện để được Quỹ học bổng Châu Ắ tài trợ trong suốt quá trình học tập, lúc đó em vui sướng và tự hào lắm! Và em tự nhủ lòng mình rằng phải cố gắng mỗi ngày để tiến bộ, để không phụ lòng mong mỏi của bố, mẹ; của thầy cô và cả sự quan tâm giúp đỡ từ các cô, bác quản lí Quỹ.
Học kì II vừa qua, ngoài thời gian học tập chính khóa, em đã cùng 79 bạn học sinh nữ của nhà trường còn được tham gia các hoạt động ngoại khóa bổ ích nữa. Trong chuỗi các hoạt động ngoại khóa của Trường, có 04 hoạt động tư vấn, giáo dục kĩ năng mềm gồm: Kĩ năng giao tiếp tự tin, Kĩ năng quản lí thời gian và lập kế hoạch cá nhân; Kĩ năng phòng chống xâm hại tình dục; Kĩ năng phòng chống bạo lực gia đình do Thầy Lưu Văn Dân và cô Nguyễn Thị Thắm phụ trách là em cảm thấy hấp dẫn nhất. Em cảm thấy rất hài lòng về cách thức tổ chức hoạt động của thầy Lưu Dân và cô Nguyễn Thắm. Thầy, cô không đứng lớp để dạy chúng em mà thực sự thầy, cô đang là huấn luyện viên kĩ năng sống cho bọn em. Những buổi coaching như vậy bọn học sinh chúng em đã phải hoạt động liên tục, được cười thả ga, được tranh luận, được nói lên chính kiến và được phản biện lại các ý kiến mình cho là chưa hợp lí…Không khí trong buổi tập huấn thường rất sôi nổi, có lúc căng thẳng nhưng không hề có mâu thuẫn, hậm hực. Em ấn tượng nhất là câu nói của thầy Lưu Dân là “Thái độ hơn trình độ”, còn của cô Thắm Nguyễn là câu dẫn: “Đứng trước một bộ óc vĩ đại tôi cúi đầu, đứng trước một trái tim vĩ đại tôi quỳ gối”. Hai thông điệp đó đã khiến em phải suy nghĩ nghiêm túc về tầm quan trọng của thái độ sống, thái độ ứng xử của mình trong giao tiếp; và em cũng ý thức được giá trị của chỉ số EQ ở con người. Mỗi một hoạt động đều đem lại cho chúng em những bài học hữu ích: Nếu hoạt động 01 giúp chúng em biết cách giao tiếp tự tin trước đám đông, biết phối hợp cả ngôn ngữ với cử chỉ động tác, biết lắng nghe, biết điều chỉnh giọng nói…để giao tiếp thành công; thì ở hoạt động thứ 02 em và các bạn đã bắt đầu có ý thức tiết kiệm thời gian, biết cách quản lí thời gian của mình khoa học hơn, đã biết sắp xếp công việc theo thứ tự ưu tiên trong một biểu thời gian cá nhân cụ thể. Sang đến nội dung hoạt động 03 và 04 em thấy thật dự rất thực tế với em và các bạn nữ, bài học em thu nhận được từ buổi huấn luyện của thầy, cô giúp em hiểu được giá trị của người phụ nữ, thực trạng thiếu kĩ năng bảo vệ bản thân của các bé gái, của những người phụ nữ trong xã hội vẫn còn có tư tưởng trọng nam khinh nữ…..Sau hai buổi tập huấn kĩ năng phòng chống xâm hại tình dục và bạo lực gia đình em đã biết nhận diện các dấu hiệu của xâm hại và bạo lực, em đã biết đến các cách bảo vệ mình khi nhận thấy mình có nguy cơ bị xâm hại, bị bạo lực….Bài học lớn nhất mà em rút ra đó là phải nhận thức được đúng giá trị của chính bản thân mình và chịu khó học hỏi để nâng cao giá trị của bản thân, thì mới bảo vệ được mình trước những nguy cơ của cuộc sống.
Em có mong muốn là tiếp tục được tập huấn các kĩ năng mềm khác nữa trong năm học sau. Em một góp ý nhỏ là- để các buổi ngoại khóa, tập huấn kĩ năng sống như vậy cho học sinh hiệu quả hơn thì thầy cô nên cho học hoạt động ở sân khấu lớn của nhà trường, có máy chiếu ngoài trời để chúng em dễ dàng vận động, thuận lợi trong di chuyển…
Câu chuyện của em xin được khép lại ở đây. Em xin chân thành cảm ơn các cô, các bác tài trợ cho chương trình và các thầy, cô trong nhà trường phụ trách thực hiện chương trình đã đem đến cho chúng em những buổi tập huấn ý nghĩa! Em xin hứa sẽ cố gắng học tập, sẽ chăm chỉ trau dồi, rèn luyện kĩ năng mềm để trở thành một cô gái trưởng thành có giá trị! Em xin cảm ơn!